Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.
Cây nhang trong tâm thức người Việt
18
Th1
Cây nhang trong tâm thức người Việt |
Tục đốt nhang (hay còn gọi là thắp hương, dâng hương) đã có ở nước ta từ lâu đời. Nó đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc sắc trong đời sống tâm linh của người Việt Nam. Dù là ngày Tết, ngày giỗ chạp hay ngày thường, người ta đều đốt nhang. Những sợi khói nhang cuộn tròn, rồi phảng phất bay đi để lại mùi hương thoang thoảng, dịu dàng như một sợi dây thiêng liêng gắn kết cuộc sống con người với đất trời, là cầu nối giữa con người ở trần gian với thần thánh, ông bà, tổ tiên đang ở cõi vĩnh hằng. Theo các nguồn tài liệu, cây nhang có nguồn gốc từ bán đảo Ả-Rập, được các lái buôn người Hy Lạp chuyên chở sang bán tại các nước châu Á, khoảng từ thế kỷ thứ 11. Cây nhang này có mùi thơm dịu, được chiết xuất từ một giống cây mọc ở miền Nam bán đảo Ả-Rập. Còn theo Phan Kế Bính trong Việt Nam phong tục, cây nhang có nguồn gốc từ Tây vực, đốt hương nghĩa là cầu cho quỷ thần giáng cách. Khi xưa, tục Tàu tế tôn miếu chỉ dùng cỏ tiêu (cỏ thơm) trộn với mỡ mà đốt cho thơm, chưa có đốt hương. Đến đời Vũ đế nhà Hán, vua sai tướng sang đánh nước Hồn Gia (xứ Tây vực, thuộc Ấn Độ). Vua nước ấy đầu hàng, dâng một tượng thần bằng vàng cho vua Vũ đế đem về đặt trong cung Cam Toàn. Người nước Hồn Gia cũng tế thần ấy, không phải dùng đến trâu, bò mà chỉ đốt hương lễ bái mà thôi. Từ đó, Tàu mới có tục đốt hương. Sách xưa còn chép rằng: Thứ sử Giao Châu – Trương Tân thường đốt hương ở Cát Lập tịnh xá để đọc đạo thư. Tục đốt nhang ở ta có lẽ bắt đầu từ đó. Rồi cùng với quá trình phát triển của đạo Phật, tập tục đốt nhang du nhập vào nước ta ngày càng phổ biến. Nhang có nhiều loại, nhiều kiểu: nhang thường, nhang ướp hương, nhang tròn, nhang khoanh… tất cả đều có chung một công dụng: đốt lên cho ấm cửa ấm nhà, đốt lên bàn thờ tổ tiên ông bà, bàn thờ Phật vào hai buổi sáng – chiều như gửi một lời chào đến các vị bề trên, nhằm báo cho các vị biết lúc nào chúng tôi cũng nhớ đến các vị. |