Tục đốt hương (đốt nhang) có từ đời nào ?

Tục đốt hương (đốt nhang) có từ đời nào ?

Tra sách Vân Ðài Loại Ngữ của Lê Quý Ðôn (trang 184), ta đọc một đoạn biên khảo rất kỹ về nguồn gốc của sự đốt hương. Ðại khái thì ta biết rằng thuở xa xưa, người Tàu lấy lửa đốt củi thui các con vật gọi là vật hy sinh, rồi sau thì bắt chước phong tục đốt hương từ Tây phương tức là Ấn Ðộ. Việt Nam là một nơi mà tục đốt hương có rất sớm với sự du nhập của Phật giáo. Lê Quý Ðôn viết:

Sách Vân Lộc Mạn sao chém: “Sách Lễ Ký nói: “Khi tế trời phải đốt củi ở trên giao đàn (gọi là thái đàn). Sách Chu Lễ nói: “Ðốt củi thui trâu” nghĩa là để cầu thần. Ðời sau không đốt củi, lại đốt hương. Hương là do phương Tây sản xuất. Nhà Phật khi hành lễ cũng đốt hương cho được thanh tịnh, nên khi làm phép thì đốt hương niệm chú. Các đạo sĩ cũng đốt hương tẩy uế. Nho giáo thì trái lại.

Nay tế thánh Khổng tử và tế thần xã tắc thì rước thần xong, trước khi dâng lụa, phải dâng hương ba lần. Lễ gia không làm thế, hoặc chỉ nơi đô ấp mới làm mà thôi.

Sách Minh Chí chép: Vua Thái Tổ xuống lệnh hàng tháng cứ mồng một và ngày rằm, từ quan tế tửu trở xuống đều phải làm lễ thích thái, từ các quan quận huyện trở xuống phải đến nhà học làm lễ dâng hương.

Nay xét, danh nho đời Minh là Tống Liêm có nói: “Ngày xưa cầu thần, khi đã dâng lễ vật rồi là đốt cỏ tiêu cùng mỡ chiên và cơm (chiên hương), nhưng nay thì thắp hương cho giản tiện.

Khâu Tuấn nói: “Tế lễ để tỏ lòng thành kính, chứ không cối ở lễ vật. Lễ phải tùy nghi, sao đúng nghĩa là được; đừng câu nệ lấy lễ vật ngày nay để cúng thần đời trước”.

Kinh Thi có câu: “Thủ tiêu tế chi” (lấy cỏ tiêu và mỡ dê tế). Sách Lễ Ký nói: “Rót rượu xuống đất để giáng thần thì dùng rượu nghệ cho thơm” chớ không đốt hương. Lưu Hướng làm bài minh nói cái hỏa lò Bắc Sơn chỉ để đốt hương, chớ không dùng để tế”.

Ðời Hán Vũ Ðế, vua nước Hồn Da (Hung Nô) đầu hàng, bắt được pho tượng bằng vàng ở cung Cam Tuyền, khi tế không dùng trâu bò, chỉ đốt hương lễ bái. Tục đốt hương bắt đầu từ đấy.

Sau đây là bằng chứng đất Việt (Giao Châu) đã du nhập trực tiếp đốt hương từ Ấn Ðộ, chứ không phải qua ngõ Trung Hoa và ở Trung Hoa thì chỉ có vua và các quan mới có quyền làm việc tế lễ, còn ở đất Giao Châu thì “nhà tư” người dân đã bắt đầu cúng tế từ lâu:

“Trương Tân làm thứ sử Giao Châu, đốt hương và đọc những sách tà ma Vu Sát thì làm tịnh xá (nhà tư) để đốt hương. Ðó đều là các nhà tư dùng hương đốt, chớ không phải của cả nước dùng hương thờ thần”.