ĐINH LĂNG – THUỐC QUÝ CHO MẸ SAU SINH

Ngày tôi còn nhỏ, trong vườn nhà tôi và những nhà hàng xóm xung quanh hầu như nhà ai cũng có một vài khóm đinh lăng để làm rau ăn sống, cái vị bùi bùi của món gỏi cá ăn kèm lá đinh lăng có lẽ thật khó quên. Nếu không có những trải nghiệm sau thời gian sinh nở gần đây, chắc hẳn trong suy nghĩ của tôi cây đinh lăng chỉ là một loại rau thơm dùng để ăn kèm gỏi cá mà không biết đến tác dụng kỳ diệu của cây đinh lăng với sản phụ và trẻ sơ sinh.

Đến ngày tôi sinh con, vì sức yếu lại trải qua lần sinh mổ mất khá nhiều máu nên cơ thể vô cùng mệt mỏi. (ảnh minh họa)

Ngày tôi chuẩn bị sinh con gái đầu lòng, chồng tôi gọi điện về báo tin với gia đình là tôi sắp đến ngày sinh nhưng bác sỹ bảo tôi bị rau tiền đạo nên sang tuần phải nhập viện để sinh mổ. Sáng sớm hôm sau, mẹ tôi vội vã từ quê lên nhưng cũng kịp mang theo một bịch to đinh lăng gồm cả củ, lá tươi và lá khô. Tôi thấy lạ quá lên hỏi mẹ “Sao mẹ mang theo nhiều đinh lăng thế?”. Mẹ tôi bảo “Mẹ mang lên cho con gái và cháu ngoại đấy”. Tôi cười và nói “Ôi! mẹ ơi con đẻ xong có ăn được món gỏi cá đâu mà mẹ mang đinh lăng cho con”. Mẹ bảo: “Ai bắt con ăn gỏi cá đâu, cây đinh lăng là một vị thuốc quý đấy, ở quê mình giờ nhà nào cũng trồng cả vườn đinh lăng, người ta đi thu mua rễ đinh lăng nhiều lắm, còn lá đinh lăng tươi thì dành để nấu canh ăn rất bổ dưỡng, còn lá khô mẹ để gối đầu cho cháu ngủ ngon”.

Đến ngày tôi sinh con vì sức yếu lại trải qua lần sinh mổ mất khá nhiều máu nên cơ thể vô cùng mệt mỏi. Mọi người trong gia đình tận tình chăm sóc hai mẹ con tôi, để hai mẹ con được khỏe mạnh như ngày hôm nay, tôi phải cảm ơn gia đình mình nhiều lắm, đặc biệt là bà ngoại bé với những bài thuốc tuyệt vời từ cây đinh lăng. Tôi cũng đã học hỏi được khá nhiều kinh nghiệm của mẹ trong việc chế biến các bài thuốc từ đinh lăng, bạn nào muốn học hỏi những bài thuốc này thì mau mau lấy giấy bút ra ghi nhé.

Bài thuốc thứ nhất theo như mẹ tôi nói nó có tác dụng bồi bổ cơ thể, ngăn ngừa dị ứng: Bạn cần chuẩn bị từ 150-200g lá đinh lăng tươi, nấu sôi khoảng 200 ml nước. Cho tất cả lá đinh lăng vào nồi, đậy nắp lại, sau vài phút, mở nắp và đảo qua đảo lại vài lần. Sau 5- 7 phút, chắt ra để uống nước đầu tiên, đổ tiếp thêm khoảng 200 ml nước vào để nấu sôi lại nước thứ hai để uống. Tương tự như với lá, bạn cũng có thể dùng rễ đinh lăng để sắc uống cũng rất tốt, cách làm với rễ là sau khi đào rễ về cần rửa sạch đất cát, thái nhỏ rồi phơi, hay sấy khô. Cũng có thể tẩm thêm rượu, gừng và sao cho thơm, đóng trong lọ kín để dành, mỗi ngày 10-15gr cho vào bình hãm với nước sôi như hãm trà, uống nhiều lần trong ngày. Mẹ tôi nói rằng muốn dùng rễ thì phải chọn loại rễ cây càng nhiều tuổi càng tốt, ít nhất là phải từ 3 năm trở lên thì tác dụng mới cao.

Bài thuốc thứ hai đó là những món ăn bồi bổ cơ thể được chế biến từ lá đinh lăng nấu canh với thịt, cá để bồi bổ có tác dụng gần giống như nhân sâm. Thực hiện bài thuốc này bạn dùng khoảng 200 g lá đinh lăng rửa sạch, khi canh thịt nấu sôi cho đinh lăng đun vừa chín tới, ăn nóng, giúp cơ thể sảng khoái, đẩy các độc tố ra ngoài.

Nhờ bài thuốc với lá và rễ đinh lăng, tôi đã có thời gian 
nuôi con khỏe mạnh. (ảnh minh họa)

Bên cạnh hai bài thuốc bồi bổ cơ thể đó, rễ đinh lăng của mẹ còn cứu nguy cho tôi trong lần tôi bị tắc tia sữa. Ngày hôm đó bầu ngực cương đỏ lên và rất nhức nhối khó chịu. Mẹ tôi liền lấy rễ đinh lăng 40g, gừng tươi 3 lát, đổ 500ml nước sắc còn 250 ml. Mẹ bảo tôi chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống khi thuốc còn nóng. Quả thật chỉ trong 2 lần uống là tôi đã cảm thấy dễ chịu hẳn.

Với cháu bé, bà dùng lá đinh lăng đã phơi khô để lót vào gối cho cháu nằm, bà bảo làm như thế trẻ sẽ ngủ ngon không sợ giật mình. (Mẹ nào muốn áp dụng bài thuốc này cho con mình mà không thích lót gối thì có thể lót dưới khăn trải giường của trẻ nằm cũng được).
Hiện tại tôi đã đi làm trở lại, mỗi ngày đi làm tôi thường mang theo bình nước lá đinh lăng đã hãm để uống. Nhờ uống nước lá đinh lăng thường xuyên nên cơ thể tôi nhanh phục hồi. Vừa bận công việc vừa chăm con nhưng nhờ có nước lá đinh lăng của mẹ mà tôi không còn cảm thấy mệt mỏi.

Bên cạnh tác dụng bồi bổ cơ thể, chữa tắc tia sữa cây đinh lăng còn có rất nhiều tác dụng như an thần, làm tăng tác dụng của thuốc chống sốt rét, chữa ho, thông tiểu và chữa kiết lỵ, giúp vết thương mau lành. Trên thực tế, có nhiều loại đinh lăng, loại đinh lăng tốt nhất là loại cây nhỏ, sống nhiều năm, cao từ 0,8-1,5m, thân nhẵn không có gai và phân nhánh nhiều, lá kép 3 lần xẻ lông chim, dài 20-40cm, loại cây này ở một số nơi còn gọi là cây gỏi cá.

Tuy nhiên, các mẹ cần lưu ý, không được dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.

(Nguồn: Sưu tầm)