VẤN NẠN BẠO HÀNH HỌC ĐƯỜNG – NỖI ÁM ẢNH, ẢNH HƯỞNG QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TRẺ EM! CHA MẸ NÊN LÀM GÌ? 8 QUYỀN CHA MẸ CÓ THỂ LÀM VÀ 2 ĐIỀU KHÔNG ĐƯỢC PHÉP?

Mục tiêu hàng đầu là phải bảo vệ an toàn cho các em học sinh gặp phải vấn đề bị bạo hành, nhưng đừng quên mục tiêu tiếp theo là cảm hóa được các em học sinh sai phạm, giúp những em đó chủ động nhận thức được lỗi và hòa giải thành công với bạn!

Với các em học sinh còn đang học phổ thông (dưới 18 tuổi) thì cha mẹ chính là người giám hộ của trẻ. Do vậy, khi con bị hành hung, tấn công, bắt nạt, bạo hành, lạm dụng… ở trường, cha mẹ có những quyền nhất định để can thiệp và bảo vệ con cái của mình! Sau đây là 8 quyền cha mẹ có thể làm đối với phía nhà trường để bảo vệ và đòi công bằng cho con!

Thứ nhất: quyền được nhà trường chủ động thông tin ngay khi có sự việc xảy ra vượt quá mức độ thông thường. Ví dụ, khi đã có sự xâm phạm thân thể hoặc thương tích.

Thứ hai: quyền được nhà trường thông tin rõ ràng về chính sách, nội quy của nhà trường đối với các hành vi bị kỷ luật của học sinh, cũng như quy trình thực hiện các biện pháp kỷ luật học sinh. Chính sách này phải được xây dựng từ trước và được thông tin tới toàn thể cộng đồng học sinh, giáo viên, nhân viên, và cha mẹ. Trong trường hợp trường không có chính sách này, cha mẹ có thể yêu cầu trường áp dụng theo điều lệ trường phổ thông hoặc theo các thông tư quy định việc khen thưởng, kỷ luật học sinh. Tất cả các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục quốc tế đều yêu cầu nhà trường phải có chính sách bảo vệ an toàn và hạnh phúc của học sinh.

Thứ ba: quyền yêu cầu nhà trường lập hội đồng kỷ luật để xem xét vụ việc xâm phạm tới con mình và quyền được tham gia các cuộc họp với nhà trường để trao đổi thông tin, giải quyết sự việc.

Thứ tư: quyền yêu cầu nhà trường có chính sách bảo vệ an toàn cho con trong trường hợp con bị đe dọa bởi bạn bè hoặc người lớn trong trường.

Thứ năm: quyền yêu cầu cho con tạm ngừng học để ngăn chặn việc xấu xảy ra cũng như bảo vệ tâm lý cho con.

Thứ sáu: quyền được yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ từ các nhân sự liên quan trong trường như y tá trường, chuyên viên tâm lý học đường, giáo viên chủ nhiệm lớp.

Thứ bảy: quyền khiếu nại về việc nhà trường không thực hiện đúng quy trình kỷ luật học sinh cũng như không ngăn chặn bạo lực học đường.

Thứ tám: quyền được báo cảnh sát trong trường hợp trường không giải quyết sự việc hợp lý dẫn tới việc con bị thương tích, xâm hại…Nhưng các bậc phụ huynh đừng quên rằng, sau khi đòi quyền lợi cho con thì mục tiêu sau cùng là hóa giải xung đột, giúp những em học sinh phạm sai lầm có thể nhận ra sai lầm, sửa đổi và giúp các con có thể hòa nhập, cùng nhau tiến bộ!

Sau đây là 2 điều mà cha mẹ có thể không được phép:

Không được gặp trực tiếp học sinh đã gây ra thương tích hay xâm hại con bạn. Lý do trường học phải ngăn chặn cuộc gặp này vì từ phía bị xâm hại, cha mẹ có thể không kiềm chế được và lao vào tấn công đứa trẻ phía bên kia. Như vậy thì từ một cái sai này sẽ dẫn tới một cái sai khác, và tiếp tục đẩy tình huống vào mức tệ hơn lúc ban đầu.

– Không được gặp trực tiếp gia đình của học sinh đã gây ra lỗi, với lý do tương tự là tránh xung đột, bạo lực giữa hai gia đình. Thông thường nếu có tổ chức gặp, phải được tổ chức trong trường, và do trường sắp xếp.

“Chuyện va chạm của học sinh với nhau có thể xảy ra, và thường xảy ra, nhất là với lứa tuổi teen, các em có thể nóng nảy, liều lĩnh, thiếu kiềm chế. Tuy nhiên, thái độ đúng của nhà trường, cha mẹ sẽ quyết định việc ngăn sự việc trượt ra xa hơn. Mục tiêu tối thượng là bảo vệ an toàn được cho em học sinh gặp nạn, và mục tiêu tiếp theo là cảm hóa được học sinh sai phạm, giúp em chủ động nhận thức được lỗi và hòa giải thành công với bạn.

Trong trường hợp xấu nhất, hãy bảo vệ con bằng biện pháp cuối cùng như chuyển trường, chuyển nơi ở, chọn học online, thậm chí học tại nhà “

Theo PNVN