Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ TẠI CÁC THÀNH PHỐ LỚN: LƯỢNG BỤI MỊN ĐÃ VƯỢT KHUYẾN CÁO CỦA WHO!

Thống kê cho thấy, có đến 98% người dân ở Việt Nam phơi nhiễm bụi mịn, và mức độ này đã vượt qua ngưỡng khuyến cáo từ Tổ chức Y tế Thế giới – WHO. Chất lượng không khí ở cấc thành phố lớn, nhất là TP. HCM và Hà Nội đã nhiều lần vượt ngưỡng, gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt, gánh nặng bệnh tật từ việc ô nhiễm không khí, chất lượng không khí không đảm bảo là rất lớn. Chất lượng không khí ngày càng tệ đi, bụi mịn trong không khí có thể đi theo máu và tàn phá mọi bộ phận cơ thể.

Những con số đáng báo động

So với các tiêu chuẩn quốc gia và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chỉ số chất lượng không khí (AQI) năm 2017 vẫn nhiều lần vượt ngưỡng. Cụ thể, tại Hà Nội có 99 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia và 257 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO; tại TPHCM có 14 ngày vượt quá quy chuẩn quốc gia và 222 ngày vượt quá tiêu chuẩn của WHO.

Thống kê trên được thực hiện bởi Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (Green ID) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, đưa ra tại hội thảo “Chất lượng không khí năm 2017: Hiện trạng và giải pháp”. Hội thảo được tổ chức ngày 30/1, tại Hà Nội.

Theo đại diện nhóm nghiên cứu của Green ID – bà Nguyễn Thị Anh Thư – cho biết, dữ liệu thu thập từ các trạm đo của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Mỹ ở TP HCM cho thấy, chất lượng không khí ở Hà Nội và TP HCM năm 2017 có cải thiện so với năm 2016.

Điều đáng nói là với tình trạng như vậy, gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí trở nên cực kỳ nghiêm trọng.

Theo nghiên cứu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, ở Việt Nam, có đến 98% dân số đang bị phơi nhiễm với nồng độ bụi PM2.5 (bụi mịn) cao hơn mức khuyến cáo của WHO. Cũng theo WHO, các bệnh tim mạch và đột quỵ là những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tử vong sớm có liên quan đến ô nhiễm không khí, chiếm tới 80% số ca tử vong sớm; tiếp theo đó là các bệnh về phổi và ung thư phổi.

Theo Viện Nghiên cứu Sức khỏe & Môi trường, một nghiên cứu ở TP HCM vào mùa khô (tháng 11 – 4) năm 2012 cho thấy, tiếp xúc với ô nhiễm không khí làm tăng tỷ lệ trẻ nằm viện vì nguyên nhân chính đến từ NO2 và SO2.

Việc ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ngày càng tăng, và tỷ lệ mắc ung thư do ô nhiễm không khí cao gấp ba lần so với ô nhiễm nước và các nguồn gây ô nhiễm khác.

Tự chủ động bảo vệ chính mình

Trong khi chất lượng chưa được cải thiện, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên kiểm tra chỉ số chất lượng không khí ngoài trời trước khi ra ngoài. Hiện nay đã có một số website cho phép bạn kiểm tra chất lượng không khí như aqi.org, moitruongthudo.com, cem.gov.vn,…hoặc bạn có thể kiểm tra trên ứng dụng di động như AirVisual App.

Theo các chuyên gia để cải thiện chất lượng không khí cần kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm; lắp đặt các trạm quan trắc không khí tự động để tăng cường các dữ liệu, khuyến khích công bố các dữ liệu liên quan đến chất lượng không khí; trang bị kiến thức cho người dân về ô nhiễm không khí…

Theo đó, chỉ số AQI từ 101- 200 là chất lượng không khí kém, không tốt cho sức khỏe đối với các nhóm nhạy cảm như bệnh nhân về hô hấp, tim mạch. Chỉ số AQI từ 201-300 tương đương mức xấu, những người mắc bệnh về tim, hô hấp nên ở trong nhà, những người khỏe mạnh cũng nên tránh ra ngoài. AQI hơn 300 thì chất lượng ở mức nguy hại. Ở mức này, mọi người được khuyến cáo nên ở trong nhà.

Ngoài ra, người dân nên hạn chế đến những nơi có nồng độ ô nhiễm cao, đeo khẩu trang có khả năng ngăn ngừa hiệu quả bụi PM 2.5 và các chất ô nhiễm. Người dân cần nhớ rằng, các loại khẩu trang thông thường chỉ giữ lại được những hạt bụi lớn. Các loại khẩu trang có thể ngăn cản được các hạt bụi siêu nhỏ và các chất ô nhiễm phải có lớp lọc tiêu chuẩn N95 hoặc cao hơn như N99, N100.

(Nguồn: Sưu tầm tổng hợp từ Internet)